.jpg)
Ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi chứng kiến quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines ngày càng phát triển. Thủ tướng khẳng định mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác này, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Ông Ferdinand Romualdez Marcos cho rằng cuộc gặp lần này là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hai nước nói riêng và ASEAN nói chung. Đề cập đến cuộc gặp với Tổng thống Võ Văn Thưởng tại Vương quốc Anh mới đây, Tổng thống Philippines khẳng định, quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập một nền tảng vững chắc. “Tôi hy vọng sẽ sớm sang thăm Việt Nam trong năm nay để cùng lãnh đạo nước bạn trao đổi về phương hướng để quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, trong đó có trao đổi kinh nghiệm giữa các đảng cầm quyền cũng như giao lưu nhân dân. Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD thông qua các biện pháp tạo thuận lợi mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhau, trong đó có nông sản và thực phẩm; đi sâu hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ cao, du lịch, phát triển kinh tế biển, giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo chiến lược, lâu dài, ổn định với giá hợp lý cho Philippines, qua đó góp phần hỗ trợ Philippines bảo đảm an ninh lương thực. Đánh giá cao thiện chí của Việt Nam, Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos coi Việt Nam là đối tác hết sức quan trọng của Philippines và mong muốn hai bên phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong hợp tác kinh tế và đầu tư.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp và tham vấn lẫn nhau, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Chia sẻ quan ngại chung về các thách thức ở Biển Đông, hai bên khẳng định kiên định nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, nỗ lực hơn nữa vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không .
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos sang thăm Việt Nam trong năm nay.
.jpg)
Quý I/2023, Philippines chiếm hơn 45% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines. Vào giữa tháng 4, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp cho sự thiếu hụt dự trữ. Chính phủ Philippines đang làm mọi cách để kiểm soát lạm phát và giảm giá gạo. Ngoài việc tiếp tục giữ ưu đãi thuế nhập khẩu ở mức thấp đến hết năm nay, Philippines còn tăng mua gạo từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, Philippines chiếm hơn 45% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, đạt 450 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng nông sản, công nghiệp của Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng nhất định tại thị trường Philippines, đặc biệt là các sản phẩm như cà phê, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến. Đặc biệt, gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này những năm gần đây tăng trưởng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng lượng và giá trị xuất khẩu gạo.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các đối tác quốc tế để tạo ra các giống, quy trình canh tác mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam và Philippines cần củng cố hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo để tạo mối quan hệ đối tác lâu dài.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hai bên cho rằng cần tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu phát triển giống cây trồng (giống lúa chất lượng cao, giống ngô…) trong các điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, kháng sâu bệnh; nghiên cứu cơ sở khoa học và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong giám định tổn thất, thiệt hại cũng như kinh nghiệm đàm phán quốc tế liên quan đến tổn thất, thiệt hại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo, tập huấn cán bộ nghiên cứu, quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Biên dịch bởi Samuel Phạm