Tạo cơ hội cho nông sản chủ lực của Việt Nam tại Mông Cổ

Thứ Sáu- 23:47, 03/11/2023

(VAN) Trao đổi với Tổng thống Mông Cổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh bày tỏ vui mừng trước những bước tiến thực chất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước

Chiều 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại Trụ sở Chính phủ nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 5/11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nồng nhiệt chào đón Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh cùng Đệ nhất phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ thăm chính thức Việt Nam. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của chuyến thăm chính thức nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Hơn nữa, chuyến thăm đánh dấu sự chuyển đổi quan hệ hữu nghị song phương truyền thống sang một giai đoạn phát triển mới thực chất và hiệu quả.

Tổng thống Khurelsukh bày tỏ vui mừng được thăm lại Việt Nam trên cương vị mới, đồng thời chúc mừng những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh Chính phủ Mông Cổ coi trọng mối quan hệ hữu nghị song phương truyền thống giữa Mông Cổ và Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Khurelsukh bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây, trong đó nhấn mạnh vào các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh và nông nghiệp. Hai bên đã trao đổi các biện pháp có mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của hai nước. Theo đó, Việt Nam và Mông Cổ sẽ tập trung phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình trong mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ để tăng cường sự hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân hai nước. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước, qua đó tạo cơ hội cho các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ

Hai nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong những năm tiếp theo. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung vào thế mạnh chung, thúc đẩy hợp tác về tài nguyên khoáng sản chiến lược, tổ chức nhiều sự kiện kết nối doanh nghiệp, hội thảo, hội chợ thương mại và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp địa phương.

Thủ tướng hoan nghênh việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ và ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông. Theo đó, cả hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác về du lịch, thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân. Ông đề nghị tiếp tục thảo luận để tìm giải pháp căn bản khắc phục khó khăn về giao thông giữa hai nước.

Đồng tình với đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Khurelsukh khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện và sâu sắc với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại khu vực của Mông Cổ. Ông bày tỏ hài lòng trước những tiến triển rõ rệt trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian qua.

Tổng thống mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác hơn nữa với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, hậu cần, văn hóa, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân. Ông cũng mong muốn hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ mới phù hợp với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng kim ngạch hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng cường hợp tác xuất khẩu nông sản và du lịch.

Về những vướng mắc trong việc xuất khẩu thịt dê, cừu từ Mông Cổ sang Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam đã cho phép xuất khẩu thịt dê, cừu chế biến từ Mông Cổ vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, Cục Thú y chưa nhận được đơn đăng ký nào từ doanh nghiệp Mông Cổ liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm nói trên.

Về việc xuất khẩu thịt dê, cừu đông lạnh sang Việt Nam, sau nhiều lần trao đổi, Cục Thú y đã hỗ trợ Mông Cổ hoàn thiện các hồ sơ cần thiết theo yêu cầu của Việt Nam và quốc tế. Năm 2022, Cục cử đoàn sang Mông Cổ tiến hành kiểm tra thực địa và phối hợp xác định các biện pháp kỹ thuật để xuất khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy Mông Cổ vẫn phải đối mặt với bệnh lở mồm long móng và dịch tả trên dê, cừu. Hậu quả là các yếu tố này chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Việt Nam.

Tác giả: Tùng Đinh

Nguyễn Hải Long dịch

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận