Nông dân phấn khởi vào vụ mới do giá phân bón giảm

Thứ ba- 00:11, 18/07/2023

(VĂN) Vụ thu đông 2023, người trồng lúa đón nhận tin vui khi giá phân bón đang giảm, giảm áp lực đầu tư chi phí đầu vào.

Nông dân trồng lúa đón nhận tin vui khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào giảm mạnh so với các năm trước

Theo thống kê của ngành nông nghiệp thành phố, tại Cần Thơ , diện tích gieo sạ lúa 3 vụ toàn thành phố đạt gần 206.000 ha, sản lượng thu hoạch hơn 907.000 tấn. Trong đó, lúa hè thu 2023 đã gieo sạ gần 73.000 ha, thu hoạch đạt trên 94%, năng suất ước đạt 5,9 tấn/ha, tương đương cùng kỳ.

Lúa thu đông 2023 gieo sạ được hơn 57.000 ha. Vụ lúa thu đông năm nay được đánh giá là khá thuận lợi về thời tiết. Nông dân đón tin vui khi chi phí đầu vào nông nghiệp, nhất là giá phân bón giảm mạnh so với các năm trước, lúa năng suất khả quan nên lợi nhuận sẽ tăng đáng kể.

Ghi nhận tại HTX Thuận Thắng của huyện Thới Lai, vụ lúa thu đông 2023 HTX mua phân bón với giá giảm mạnh. Cụ thể, giá phân đạm Phú Mỹ là 400.000 đồng/bao (1 bao 50 kg), giá phân kali từ 800.000 - 900.000 đồng/bao. Giá của DAP Hồng Hà cũng khoảng 900.000 đồng/bao. Theo ông Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX Thuận Thắng, giá loại phân bón này đã giảm khoảng 120.000 đồng/bao so với vụ hè thu 2023.

Hiện tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, gạo thơm đặc sản của Cần Thơ đạt trên 90%. Thành phố đang duy trì 140 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 35.700 ha. Nông dân tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến. Hơn nữa, 40% diện tích cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và 500 - 700 đồng/kg đối với lúa giống. Đối với diện tích thu hoạch lúa hè thu 2023, giá cao hơn cùng kỳ từ 11 - 13%, tương đương khoảng 700 - 850 đồng/kg.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất. Nhờ đó, nông dân đã đạt lợi nhuận trên 30%. Các vùng có lợi thế sản xuất lúa của thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất lúa chuyên canh với diện tích khoảng 55.000 ha, tập trung ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. 20 hợp tác xã sản xuất lúa gạo trên địa bàn toàn thành phố đã tham gia liên kết hàng năm với sản lượng tiêu thụ trên 24.000 tấn, trị giá hơn 115 tỷ đồng. Ngoài lúa gạo, sầu riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở Cần Thơ. Lợi nhuận hàng năm của nhà vườn đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, những năm gần đây, sầu riêng được đầu tư phát triển mạnh. Nếu như năm 2015, diện tích sầu riêng của Cần Thơ là 537 ha thì đến nay ước đạt trên 4.000 ha, sản lượng ước đạt trên 30.000 tấn/năm, năng suất bình quân 15 tấn/ha. Hiện ngành chức năng đã cấp 8 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với diện tích khoảng 175 ha.

Thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, thành phố đang xem xét triển khai một số Đề án liên kết sản xuất trái cây và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.

Điển hình là dự án liên kết với Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, giai đoạn 2023 - 2027, tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng, quy mô liên kết 80ha sầu riêng. Dự án liên kết của Công ty cổ phần BJ&T giai đoạn 2023 - 2027 đầu tư hơn 40 tỷ đồng để thực hiện liên kết 90ha sầu riêng.

Nếu như năm 2015, diện tích sầu riêng của TP. Cần Thơ là 537 ha, đến nay ước đạt trên 4.000 ha

Các dự án nếu được thông qua sẽ mở ra triển vọng lớn về thị trường tiêu thụ cho nông dân trồng sầu riêng TP.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, ông Nguyễn Ngọc Hệ, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo sản xuất theo lợi thế của địa phương. Trong đó, chú trọng chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chủ động phòng tránh, kịp thời khắc phục hậu quả. đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất để xây dựng thương hiệu nông sản cho Cần Thơ.

Sở NN&PTNT Cần Thơ ký kết hợp tác với Mobifone triển khai ứng dụng MobiAgri nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp, Đây là ứng dụng nền tảng của nông nghiệp thông minh. Xác định hơn 1.000 loại cây trồng bằng cách chụp ảnh, kết nối câu hỏi và câu trả lời từ các chuyên gia.

Ứng dụng này cũng hỗ trợ quy trình canh tác, cung cấp thông tin, dự báo thời tiết chuyên sâu và đi kèm với khuyến nghị cây trồng. Điều này giúp nông dân Cần Thơ từng bước ứng dụng chuyển đổi số vào thực tế canh tác, hứa hẹn sẽ tiếp cận gần hơn với nền tảng thương mại điện tử đầu ra trong thời gian tới.

Tác giả: Kim Anh

Hoàng Duy biên dịch

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận